Gỗ là một trong những vật liệu phổ biến trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất đồ gia dụng, sản xuất giấy… Khoa học kỹ thuật càng phát triển, người ta càng khám phá ra nhiều công dụng mới của gỗ, Nhu cầu sử dụng gỗ tăng lên làm cho lượng gỗ tiêu thụ ngày càng nhiều. Tuy nhiên nguồn tài nguyên gỗ là hữu hạn vì vòng đời tái sinh của gỗ chậm, vấn đề khai thác, sử dụng vật liệu gỗ gây ảnh hưởng không tốt đến môi trường – sự phát triển bền vững của Trái đất. Mặc dù đã có rất nhiều quy định về khai thác, quy hoạch quản lý tài nguyên, nguyên liệu gỗ nhưng do nhu cầu ngày càng tăng, việc bảo vệ nguồn tài nguyên này là rất khó khăn. Khi giải pháp hạn chế phát triển ngành gỗ là không khả thi, chúng ta cần làm gì để bảo vệ Trái đất, môi trường? Đó là tìm vật liệu khác đáp ứng được các đặc điểm của gỗ thay thế.
Tại sao lại là Tre?
Tre là loại cây phát triển nhanh nhất trên Trái đất (Một số giống tre có thể tăng trưởng hơn 45cm trong 24 giờ).
Tre có thể được liên tục tái thu hoạch. Trong thời gian tái sinh, rễ ở lại nguyên vẹn nên xói mòn được ngăn chặn.
Tre sản xuất lên đến nhiều oxy hơn 35% so với cây gỗ cứng và hấp thụ gấp bốn lần lượng carbonic
Do tiêu thụ nitơ cao, trồng tre có thể khử độc nước thải và cải thiện chất lượng đất.
Tính chất cơ lý: Độ bền kéo của Tre có thể vượt quá sợi carbon, nhôm và thép, sức chịu nén tre có thể vượt quá sức chịu nén của bê tông.
65% diện tích trồng tre trên thế giới nằm tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong các nước có ưu thế về nguồn nguyên liệu tre, Tre đồng hành suốt theo dòng lịch sử phát triển của Việt Nam, từ dựng nước, giữ nước, xây nhà cửa, đến xây dựng hình ảnh tinh thần tính cách và vóc dáng của con người Việt. Tre thuộc họ cỏ (Poaceae), trong lớp thực vật một lá mầm. Nhưng đặc điểm hình thái của thân tre không giống các loài cỏ, cũng không giống các thân cây gỗ. Thân tre có láng rỗng và đốt đặc; không mềm quá và cũng không cứng quá. Dưới gốc cây là thân ngầm; trên mặt đất là thân khí sinh mang bẹ mo. Đặc tính này khiến tre dễ bị các dạng muối mọt và sâu đục thân xâm hại, làm giảm tuổi thọ của cây tre. Trước kia, Tre được khai thác sử dụng dưới dạng hình dáng nguyên bản và một số chế biến đơn giản (hình ống, chẻ nan) và bảo quản, chống muối mọt nâng cao tuổi thọ của tre bằng các phương pháp thủ công đơn giản: nung, đốt, ngâm bùn… Phát triển công nghệ và công nghiệp hóa chế biến nguyên liệu tre sẽ giải quyết được các hạn chế nêu trên và tận dụng các ưu điểm của Tre. Hiện nay, đã có rất nhiều công trình và chủ đầu tư lựa chọn sản phẩm từ tre thay thế cho gỗ cho dòng sản phẩm như đồ nội thất, ô tô và các sản phẩm liên quan khác bởi những ưu điểm không thể phủ nhận của vật liệu này như: màu sắc, hình dáng tự nhiên và giữ được độ sáng trong nhiều năm, chịu mài mòn và va đập, chịu nhiệt độ cao, hạn chế khả năng bén lửa là sản phẩm thay thế gỗ tự nhiên hiệu quả nhất. Không những đáp ứng được các đòi hỏi của vật liệu gỗ, Phát triển vùng nguyên liệu tre là giải quyết bài toán bảo vệ Rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, đặc biệt về yếu tố kinh tế xã hội, tại các vùng sâu khó khăn không thuận lợi sản xuất nông nghiệp, Trồng tre lấy măng làm thực phẩm, phát triển nguyên liệu trồng tre khai thác có tổ chức tạo thu nhập là giải pháp hiệu quả giúp xóa đói giảm nghèo – tốt cho con người
Trong xu thế chung về một nền kiến trúc xây dựng bền vững, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường, cùng với sự gắn bó truyền thống lâu dài, tại Việt Nam là biểu tượng cho hòa bình, trung thực và an lành, chắc chắn tre sẽ khẳng định được vị trí của mình trong thời đại mới.