Dự án Tre lụa. Sắc tơ APEC

Chiều 7-12, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ tổ chức buổi trưng bày “Sắc tơ APEC 2017”, giới thiệu bộ sản phẩm dành cho lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Trần Thị Thu Đông phát biểu khai mạc buổi trưng bày.

Trong thời gian từ tháng 2-2016, khi bắt đầu triển khai những công tác phục vụ Hội nghị APEC 2017 được tổ chức tại Việt Nam, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đặt hàng lụa tờ tằm Dung – Từ dệt lụa tơ tằm chất lượng cao để phục vụ cho việc xét chọn mẫu vải may trang phục dành cho lãnh đạo cấp cao các nền kinh tế APEC.

Tính đến tháng 9-2017, Phó Hiệu trưởng, Giảng viên chuyên ngành thiết kế trang phục trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hà đã thiết kế và thực hiện 18 mẫu trang phục. Trong đó, có chín mẫu áo dài, chín mẫu áo ngắn, 11 mẫu áo thêu họa tiết hoa sen. Hai mẫu thiết kế áo ngắn đã vinh dự được chọn là trang phục dành cho lãnh đạo các nền kinh tế APEC tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017, là quà tặng của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng các trưởng đoàn tham dự.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà chia sẻ, ngoài trang phục được tạo nên từ những chất liệu cao cấp, hộp đựng của trang phục cũng được thiết kế trang trọng. “Hộp đựng trang phục APEC 2017 được chế tác từ cây tre, một loại vật liệu truyền thống của người Việt, được giữ theo màu nguyên gốc của chất liệu tre, tạo nét đẹp tự nhiên, gần gũi mà vẫn vẹn nguyên sự trang trọng. Tên các vị khách quý được khắc chìm trên miếng đồng với sự gia công tỉ mỉ”, NTK Thu Hà nói.

 

Mẫu hộp tre đựng trang phục APEC 2017.

Buổi trưng bày “Sắc tơ APEC 2017” giới thiệu đến công chúng những sản phẩm thủ công truyền thống đặc biệt của nghề dệt lụa, nghề may, thêu đã được trân trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy qua những thế hệ của mỗi làng nghề, mỗi gia đình, từng nghệ nhân.

Trang phục APEC 2017 được thiết kế theo kiểu dáng hiện đại, đồng thời kế thừa trang phục truyền thống Việt Nam. Các mẫu trang phục được may từ loại lụa tơ tằm Việt Nam (100% tơ tằm thiên nhiên), được dệt, nhuộm thủ công theo bí quyết gia truyền của nghề dệt lụa tơ tằm truyền thống. Kỹ thuật nhuộm thủ công, pha trộn đặc biệt đã tạo ra màu sắc đặc trưng của trang phục đem lại sự sang trọng, nền nã cho các bộ trang phục cao cấp.

Một số mẫu áo dài cao cấp thương hiệu Tuấn Sành được trưng bày tại buổi giới thiệu.

Sản phẩm lụa tơ tằm Dung – Từ nhận được những phản hồi hết sức tốt đẹp và sự quan tâm đặc biệt từ các đoàn tham dự, làm nên niềm tự hào cho lụa tờ tằm cao cấp Việt Nam. Bên cạnh đó, nghệ nhân may Đỗ Mạnh Hùng cũng đón tiếp thêm những vị khách hàng mới mến mộ sự tài hoa trong nghệ thuật cắt may lễ phục của mình. Đặc biệt, mẫu trang phục APEC được nhiều khách hàng yêu thích và đặt may với các phiên bản màu sắc khác nhau, niềm vui được nhân lên gấp bội cho nhà thiết kế cũng như những nghệ nhân đã thực hiện bộ sản phẩm đặc biệt này.

Trang phục APEC 2017 được cắt may theo kỹ thuật gia truyền, phối hợp công nghệ hiện đại. Chiếc khuy cài áo được lấy ý tưởng thiết kế từ biểu trưng của năm APEC, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ của 21 tia mặt trời tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên. Đặc biệt, họa tiết đàn chim lạc bay, một biểu tượng trên trống đồng Đông Sơn của Việt Nam, thể hiện tinh hoa văn hóa của đất nước Việt Nam giàu truyền thống và luôn hướng về cội nguồn.

 

Chất liệu lụa tơ tằm cao cấp của Việt Nam được trưng bày giới thiệu đến công chúng.

Trưng bày “Sắc tơ APEC 2017” kéo dài đến ngày 17-12, tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, số 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.

Tags: , , , , , ,